BẠN ĐÃ THỰC SỰ BIẾT CÁCH UỐNG TRÀ XANH CHƯA?
Trà xanh là thức uống rất phổ biến và thân thiện với sức khỏe được các chuyên gia y tế khuyên dùng. Tuy nhiên trà xanh nên uống như thế nào để tốt nhất.
Không uống trà xanh ngay sau ăn
Uống trà xanh sau khi ăn sẽ làm cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng vào cơ thể. Đặc biệt thành phần Catechins trong trà xanh cũng có thể làm giảm sự hấp thu sắt từ thực phẩm tăng nguy cơ thiếu máu. Vì thế chỉ nên uống trà xanh sau bữa ăn 1h.
Không uống trà xanh quá nóng
Uống trà xanh khi còn nóng sẽ làm hỏng lớp lót niêm mạc thực quản, từ đó tạo ra các chất gây viêm, tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Không uống khi đói
Trà xanh có khả năng kích thích dạ dày tiết ra nhiều chất chua và vị chua sẽ làm mất cảm giác ngon miệng, cơ thể hấp thu thức ăn kém đi. Hơn nữa khi dạ dày trống rỗng, chất chát trong trà xanh sẽ đi vào cơ quan nội tạng tạo cảm giác cồn cào, nôn nao trong người.
Không thêm mật ong vào trà xanh nóng
Khi thêm mật ong vào trà nóng sẽ làm các chất dinh dưỡng của mật ong phá hủy, do đó hãy để nhiệt độ trong trà xanh giảm xuống, lúc này nên thêm mật ong vào và thưởng thức.
Không uống thuốc cùng trà xanh
Không nên uống trà xanh cùng bất cứ loại thuốc nào, bởi trà xanh khi gặp thuốc sẽ tạo ra những phản ứng hóa học làm thuốc giảm tác dụng và cơ thể khó hấp thu.
Chỉ uống 1-2 ly mỗi ngày
Trà xanh chứa cafein, nếu uống quá nhiều có thể sẽ gây đau đầu, mệt mỏi, lo âu, kích thích, ngoài ra uống một lượng lớn trà xanh cũng có thể giảm hấp thu sắt trong cơ thể.
Khi đã biết được cách uống trà xanh bạn nên áp dụng theo để loại thức uống này tốt nhất cho sức khỏe.
Trà có thể giúp ngăn ngừa ung thư như thế nào?
Polyphenol trong trà xanh bao gồm nhiều hợp chất như EGCG, ECG, EGC và EC. Trong trà đen cũng có các chất có hoạt tính chống oxy hóa, chẳng hạn như thearubigin và theaflavins. Những hóa chất này, nhất là ECG và EGCG có khả năng ngăn ngừa những gốc tự do có hại và bảo vệ những tế bào khỏi tổn thương DNA do các loại oxy phản ứng gây ra.
Hơn nữa, polyphenol có trong trà cũng được chứng minh là có khả năng ức chế sự tăng sinh tế bào khối u, chống lại những thiệt hại do bức xạ tia cực tím (UVB) gây ra, đồng thời điều chỉnh các chức năng của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các catechin trong trà có tác dụng ngăn chặn sự hình thành mạch và sự xâm lấn của các tế bào ung thư.
Bên cạnh đó, trà xanh cũng có tác dụng kích hoạt các enzym giải đọc, vị dụ như quinone reductase và glutathione S-transferase, từ đó bảo vệ và chống lại sự phát triển của các khối u gây ung thư.
Chất chống oxy hóa của trà và khả năng ngăn ngừa ung thư
Cơ thể con người liên tục tạo ra những chất oxy hóa, hay còn được gọi là gốc tự do. Đây là những phân tử không ổn định, do đó để trở nên ổn định hơn, các gốc tự do sẽ “đánh cắp” các điện tử electron từ những phân tử khác. Điều này đã làm hỏng các vật chất di truyền và các tế bào protein trong cơ thể. Chính sự tổn thương này đã làm tăng nguy cơ ung thư của các tế bào.
Mặt khác, các chất chống oxy hóa là những chất giúp cơ thể có thể lọc và thu giữ chất oxy hóa gây hại. Tương tự như các chất chống oxy hóa khác, catechin có trong trà đóng vai trò là chất giúp ức chế một cách chọn lọc những hoạt động của enzym gây ra ung thư. Ngoài ra, chúng cũng góp phần sửa chữa những sai lệch của DNA do các gốc tự do gây ra.
Như đã đề cập ở trên, tất cả các loại trà đều lấy từ lá của một loại cây thường xanh có tên là Camellia sinensis. Nhìn chung, trà xanh thường chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn trà đen do chúng ít phải trải qua quá trình chế biến.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi bạn ngâm hoặc pha trà xanh / trà đen với nước nóng trong vòng năm phút, nó sẽ tiết ra khoảng hơn 80% catechin. Tuy nhiên, lượng catechin có trong trà đá thường không đáng kể.
Các nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng, các catechin có trong trà có tác dụng như một chất ức chế mạnh mẽ đối với sự phát triển của ung thư. Chúng giúp loại bỏ các gốc tự do trước khi gây ra những tổn thương tế bào, đồng thời làm giảm tỷ lệ và kích thước của các khối u do hóa chất gây ra, từ đó làm kìm hãm sự phát triển của ung thư. Chất chống oxy hóa có trong trà được cho là có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư sau: ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư phổi hoặc ung thư da.